Trong giai đoạn 2006 - 2010, TP.HCM đưa nhiều nông dân đi học hỏi kinh nghiệm SX nông nghiệp ở nước ngoài. Đã có nhiều người thành công hơn sau những chuyến đi ấy. Một điển hình trong số đó là ông Trần Văn Xê ở ấp 3, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn tự đầu tư nhiều tiền của lập một phòng cấy mô để chủ động nguồn lan giống.
Cách không xa nội thành là bao, lại nằm trong khu vực đang đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ, nên từ chỗ là một vùng thuần nông, hiện giờ, khu vực ấp 3 xã Xuân Thới Sơn đã mang màu sắc phố thị nhiều hơn là làng. Tôi đi một vòng quanh ấp, thấy nhà máy, nhà cửa cứ san sát... Cứ đà này, không khéo vài năm nữa, khi trở lại cái ấp này để tìm một mảnh ruộng, một cái vườn cây, chắc không còn là chuyện dễ dàng.
Bởi thế, khi dừng chân trước vườn lan của ông Trần Văn Xê, khu vườn nằm không xa những nhà máy đã và đang mọc lên trong ấp, trong lòng những người vẫn còn nặng nỗi hoài niệm ruộng đồng, ắt sẽ thấy nhẹ nhõm đi nhiều. Đó là một vườn lan được thiết kế bài bản, đẹp mắt với những giò phong lan treo lủng lẳng bên trên những giàn địa lan xanh mướt mát đang trong thời kỳ phát triển, sẽ kịp cho hoa vào dịp Tết sắp tới.
Ông Xê chăm sóc lan trong vườn nhà
Ông Xê từng là cán bộ lãnh đạo xã Xuân Thới Sơn. Sau khi nghỉ việc nhà nước, trở về làm nông dân, ông đã trải qua nhiều nghề khác nhau, từ nuôi bò sữa, nuôi heo, trồng lúa, trồng hoa màu đến nuôi ba ba, cá... nhưng đều không thành công.
Năm 2004, sau khi được tham gia lớp học trồng lan do Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân TP.HCM), tổ chức và được tham quan các mô hình trồng lan có hiệu quả kinh tế cao ở Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, ông Xê quyết định đầu tư trồng loại cây này. Nhưng vì vốn trồng lan khá cao, lại chưa có kinh nghiệm, nên lúc đầu, ông Xê chỉ dám bỏ ra khoảng 20 triệu đồng trồng 500 cây lan Mokara trên diện tích vỏn vẹn 150 m2.
Sau gần một năm miệt mài chăm sóc, lan đã cho thu hoạch. Trừ hết chi phí, ông Xê đã có khoản lãi bình quân mỗi tháng 300 - 400 ngàn đồng từ 150 m2 lan. Nếu so với rau màu, đậu phộng hay lúa cũng trên diện tích bé nhỏ ấy, thì khoản lãi từ lan rõ ràng cao hơn nhiều. Từ đó, ông quyết định mở rộng diện tích trồng lan lên 1.000 m2 và nhanh chóng trở thành một người trồng lan có tay nghề vững, được nhiều người biết đến.
Năm 2006, ông Xê được chọn vào danh sách những nông dân được thành phố đưa đi học hỏi ở nước ngoài. Do làm nghề trồng lan, nên ông vào nhóm đi Thái Lan, một nước có nghề trồng và xuất khẩu lan hàng đầu ở Đông Nam Á. Khi nghe tin được TP tạo điều kiện cho đi học hỏi, ông Xê mừng lắm, bởi trước đó khi nghe nói Thái Lan có nghề trồng lan hàng hóa đã hơn 50 năm, ông đã mong muốn có dịp sang bên đó để xem nông dân họ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào vườn lan ra sao, tổ chức tiêu thụ thế nào…
Đúng như câu các cụ vẫn nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, chuyến đi học hỏi ở Thái Lan năm ấy đã giúp ông Xê mở mang tầm mắt được khá nhiều. Điều gây ấn tượng đầu tiên đối với ông là quy mô SX lan của người Thái quá lớn. Ông bảo: “Vườn lan của tôi hiện nay đã mở rộng trên 3.000 m2, được xếp vào những vườn lan nổi tiếng ở TP.HCM. Nhưng so với vườn của họ thì chả thấm vào đâu, vì vào thời điểm 2006, có những vườn bên đó đã rộng tới 32 ha”.
Sự liên kết trong SX của người trồng lan Thái Lan cũng khiến ông Xê cảm thấy khâm phục: “Họ có hẳn một hiệp hội của người trồng lan. Hiệp hội có quyền định ra giá bán chung cho tất cả các thành viên. Các thành viên đều tuân thủ giá bán do hiệp hội đưa ra, không có ai bán phá giá. Vì thế thương lái không thể nào ép giá được các nhà vườn. Nhìn chung, tính liên kết trong SX của người trồng lan ở Thái Lan rất cao. Nhờ đó, họ luôn ổn định được thị trường, giá cả, và nhất là tổ chức xuất khẩu rất bài bản với số lượng lớn sang rất nhiều nước”.
Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm ở Thái Lan về, ông Xê càng có quyết tâm hơn trong việc trồng lan một cách chuyên nghiệp. Bởi xét về khí hậu, thổ nhưỡng, Thái Lan không hơn Việt Nam. Nông dân Việt Nam lại có những sáng tạo hơn như khi trồng lan Monkara, nông dân Việt Nam nghĩ ra cách sử dụng cọc giúp cho cây lên thẳng đứng, còn ở các vườn lan bên Thái Lan, lan Monkara cứ ngả nghiêng vì không có cọc để dựa vào.
Ông Xê bán bớt một mảnh đất và mạnh dạn vay vốn ngân hàng 500 triệu đồng, đầu tư vào việc cải tạo diện tích lúa, ao còn lại, chuyển hết sang trồng lan. Qua đó, đưa tổng diện tích trồng lan lên tới 3.500 m2. Với diện tích này, khi còn tập trung trồng lan cắt cành, bình quân mỗi tuần, ông Xê có thu nhập 5 - 10 triệu đồng.
Có những tháng khi lan được giá cao ông thu tới vài trăm triệu đồng. Năm 2008 là đỉnh điểm đối với nghề trồng lan của ông Xê khi tổng doanh thu từ vườn lan của ông đạt khoảng 1 tỷ đồng. Nhờ đó, ông đã xây cất được một ngôi nhà khang trang, rộng rãi với nhiều đồ đạc có giá trị.
Nhưng cái được nhất đối với ông Xê sau các chuyến đi học hỏi kinh nghiệm ở Thái Lan, Đài Loan (năm 2008), là ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng phòng cấy mô. Ông bảo, đi thăm các vườn lan ở Thái Lan, thấy vườn nào lớn cũng đều có phòng cấy mô để chủ động nguồn cây giống. Khi về nhà, ông đã muốn làm ngay một phòng cấy mô, nhưng do chưa có vốn, nên đành gác lại.
Đến năm 2008, khi đã có một khoản vốn kha khá trong tay, ông Xê mới bỏ ra 500 triệu đồng để xây dựng phòng cấy mô với những thiết bị, hóa chất cần thiết. Nhưng tạo được cây lan giống từ phương pháp cấy mô không phải là dễ, nhất là với một nông dân.
Ông Xê trong phòng cấy mô
Ngoài việc cắp sách theo học ở những lớp về cấy mô do một số chuyên gia giảng dạy, ông Xê còn phải tự tìm kiếm sách vở, mày mò nghiên cứu... Rồi có thêm cả sự giúp đỡ, hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật đến từ Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Cuối cùng, ông Xê đã thành công trong việc tạo ra những cây lan giống từ phương pháp cấy mô. Mẻ đầu tiên, ông làm được 50 ngàn cây giống. Những người trồng lan ở TP hay tin, đến hỏi mua gần hết chỗ lan giống ấy.
Đến nay, ông Xê đã xây dựng được 2 tủ cấy mô. Việc xây dựng phòng cấy mô không chỉ giúp ông Xê chủ động được nguồn lan giống (vừa đáp ứng nhu cầu trồng lan trong vườn nhà, vừa cung ứng cho những hộ khác), mà còn giúp bảo tồn những giống lan quý ông đã cất công tìm kiếm được.
Phòng cấy mô cũng giúp ông chuyển từ trồng lan cắt cành sang làm lan giống có hiệu quả kinh tế cao hơn, lại phù hợp với tình hình sức khỏe hiện nay của ông vốn đã suy giảm ít nhiều sau lần tai nạn nặng vài năm trước.
|
Cứ nhắc tới chuyện đi học hỏi ở nước ngoài, ông Xê vẫn chưa hết trăn trở về những điều hay, ai cũng thấy, cũng biết, mà vẫn chưa thành hiện thực trong nghề trồng lan ở nước ta. Mở rộng diện tích lên đến vài ha hay thậm chí vài chục ha cho mỗi vườn lan, thì ông không dám mơ tới, bởi những hạn chế về đất đai, về nguồn lực của nông dân.
Nhưng việc liên kết trong SX và tiêu thụ lan không phải là chuyện chỉ có nông dân Thái Lan mới có thể làm được, vậy mà đến giờ, người trồng lan ở TP.HCM vẫn mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy bán, thành ra, chỉ làm giàu cho thương lái.
Một cành lan bán tại vườn, giá chỉ 3.000 - 5.000 đồng, qua mấy tầng nấc thương lái, người kinh doanh, khi đến tay người tiêu dùng thành phố, giá đã lên tới 15.000 đồng.
Chênh lệch giá quá lớn như thế, chỉ những người mua bán trung gian hưởng lợi, còn các nhà vườn và người tiêu dùng phải chịu thiệt. Nếu các nhà vườn chịu liên kết lại với nhau trong một tổ chức như HTX hay hiệp hội, cùng tổ chức SX, tổ chức tiêu thụ một cách bài bản, giảm được các khâu mua bán trung gian, chắc giá lan bán tại vườn sẽ cao hơn và giá tới tay người tiêu dùng sẽ giảm xuống. Khi ấy, chắc chắn người tiêu dùng TP sẽ còn mua lan nhiều hơn nữa.