Trong khi đó, một nước có nền giáo dục cao như Mỹ thu về trên 21 tỷ USD của hàng triệu du học sinh, trong đó nước ta đóng góp hơn 14.000 sinh viên. Đó là “thuế” đóng cho một nền giáo dục lạc hậu, cải cách mãi mà không thay đổi được mấy. Nhiều người coi du học là “tỵ nạn giáo dục”, một lối thoát không mấy dễ chịu và đắt đỏ.
Mất tiền, “đem vàng đi đổ sông Ngô” chưa phải là mất mát lớn nhất. Mất luôn cả người sau khi đã được đào tạo thành tài mới đau đớn cho đất nước. Đẻ ra, nuôi nấng, giống như hầm một nồi thịt, lại để cho người nước ngoài hớt mất lớp váng bổ béo nhất. Chất xám quý hiếm ra đi thường không trở lại. Ai cũng biết điều đó nhưng không biết phải làm gì.
Phụ huynh có quyền chính đáng đầu tư cho con cái được hưởng nền học vấn nghiêm chỉnh và tấm bằng giá trị đảm bảo tương lai. Nhưng nếu không giàu, không có tiền, cũng không thể săn được học bổng, học sinh có khả năng và có chí hoàn toàn có nhiều cơ hội thành tài, miễn là biết khai thác kho tàng đang có trong tầm tay.
http://phunuonline.com.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: eduvietglobal.vn
Chúng ta phải cắp sách đi học nước ngoài rất nhiều, có lẽ học mãi không hết. Nhưng không phải chúng ta không có những kho tàng kiến thức mà nước ngoài thèm muốn vì họ không thể nào có được. Chẳng hạn như một nền văn hóa lúa nước với kinh nghiệm và kỹ thuật trồng trọt điêu luyện đến ngạc nhiên.
Y học nước ta lạc hậu nhưng nhiều nước phát triển vẫn cứ thích đưa sinh viên đến học, đặc biệt đến thực tập. Vì ta có những thứ họ không có. Bệnh trạng của dân ta phong phú; ngoài bệnh nhiệt đới, có thể nói bệnh gì cũng có. Người bệnh của ta nghèo nên chỉ đến bệnh viện lúc bệnh đã nặng, cơ hội hiếm hoi cho nghiên cứu chữa bệnh ở những nước giàu có. Điều kiện bệnh viện của ta quá thiếu thốn so với nước ngoài cũng là môi trường để sinh viên học tập kỹ năng chữa bệnh trong những hoàn cảnh ngặt nghèo.
Về khoa học xã hội, lịch sử nước ta là một kho tàng chưa khai thác được bao nhiêu. Việt Nam học là lĩnh vực còn nguyên sơ, quả thật chúng ta chưa thật hiểu dân ta, nước ta, sử ta, chúng ta chưa có một đội ngũ nhà Việt Nam học đúng nghĩa. Lý do là người Việt Nam chưa có niềm say mê tìm hiểu chính bản thân mình. Bụt chùa nhà thường không thiêng.
Du học là một lối thoát khi chưa có được nền giáo dục vừa ý. Nhưng không phải là lối thoát duy nhất. Tiền không thể bó tay những thanh niên nghèo nhưng giàu ý chí. Có thể trường chưa tốt, thầy chưa giỏi, cơ sở thí nghiệm nghèo nàn, nhưng vẫn có thể có sinh viên giỏi; kỹ sư, bác sĩ giỏi. Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, trường Đại học Y khoa ở trong rừng Việt Bắc đã đào tạo được một đội ngũ y bác sĩ vừa phục vụ kháng chiến, vừa trở thành chuyên gia nòng cốt cho y học nước nhà sau khi hòa bình. Họ trở thành người tài vì biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn để đào sâu cái mình đang có chứ không mang quan niệm cứng nhắc và quá khích là chỉ có thể làm điều đó ở những trung tâm giáo dục nổi tiếng ở nước ngoài.
Du học là con đường ngắn nhất chuyển thành tựu khoa học tiên tiến về nhà. Du học luôn đáng khuyến khích bằng nhiều đường. Tiền đầu tư của gia đình, nhà nước, sinh viên tự săn học bổng. Nhưng xin đừng bao giờ hoang tưởng về du học, đừng bao giờ gây cơn sốt hoặc kiệt sức ngã quỵ giữa đường vì đua đòi chạy theo “mốt du học”. Không phải sinh viên nào ra nước ngoài cũng trở về thành tài. Nếu trong lòng ta có bụt thì bụt chùa nào cũng thiêng.
Nguyễn Quang Thân